6 QUY TRÌNH SẢN XUẤT RƯỢU MẠNH – NGƯỜI SÀNH RƯỢU LIỆU ĐÃ NẮM RÕ?

12.03.2024

Quy trình sản xuất rượu mạnh cơ bản đều bao gồm các công đoạn: Xử lý nguyên liệu thô – Lên men – Chưng cất – Ủ rượu – Phối trộn (tùy từng loại rượu) và Đóng chai. Tuy nhiên, đặc điểm khác nhau trong quy trình sản xuất của từng loại rượu tạo nên những trải nghiệm hương vị rượu rất đa dạng và phong phú. Theo dõi ngay bài viết dưới đây để biết thêm chi tiết bạn nhé!

1. Quy trình sản xuất rượu Whisky

 

Whisky là loại rượu mạnh được tiêu thụ nhiều nhất hiện nay. Từ những loại ngũ cốc đơn giản, các nghệ nhân Scotland và Ireland đã tạo nên loại rượu thơm ngon và phổ biến trên khắp thế giới. Rượu Whisky có hương vị rất đa dạng, từ hương gỗ, caramel và vanilla đến những hương vị ngọt ngào của trái cây, mật ong và hoa cỏ.

Hiện nay, rượu Whisky chủ yếu được phân loại theo vùng sản xuất: Irish Whiskey, Scotch Whisky, Canadian Whisky, Japanese Whisky và Bourbon/Rye Whiskey (Mỹ). Khi tìm kiếm rượu Whisky, bạn có thể thử ngay các thương hiệu như Chivas Regal, Jack Daniel’s, Ballantine’s, The Glenlivet, Royal Salute hay Jameson,…

Nguyên liệu chính trong sản xuất rượu Whisky: các loại ngũ cốc như lúa mạch, ngô, lúa mạch đen và lúa mì.

Ngũ cốc là nguyên liệu sản xuất chính của rượu Whisky.

Ngũ cốc là nguyên liệu sản xuất chính của rượu Whisky.

Quy trình sản xuất rượu Whisky cơ bản:

Bước 1 – Xử lý nguyên liệu.

Lúa mạch và các loại ngũ cốc khác sau khi thu hoạch được sấy khô và nghiền ướt ở các nhiệt độ khác nhau. Sau đó, chúng sẽ được mang đi đun nóng để đường hóa, tạo nguyên liệu cho quá trình lên men.

Quá trình đường hóa cần có sự xúc tác từ mạch nha để kích thích chuyển hóa tinh bột thành đường. Để tạo ra mạch nha, một lượng lúa mạch sẽ được mang đi ngâm trong nước lạnh khoảng 2 ngày để nảy mầm tự nhiên rồi ủ trong khoảng 5 ngày. Ngoài ra, mạch nha này cũng có thể dùng như nguyên liệu sản xuất chính.

Cuối công đoạn này, hỗn hợp trong nồi sẽ được loại bỏ bã, thu về sản phẩm là dịch đường hóa.

Bước 2 – Lên men

Dịch đường hoá thu được sau khi xử lý ngũ cốc sẽ được bổ sung thêm nấm men và ủ trong bể lên men 2 – 4 ngày. Sau quá trình lên men, dung dịch thu được là rượu có nồng độ cồn khoảng 7 – 10%.

Bước 3 – Chưng cất rượu

Rượu nồng độ thấp thu được sau công đoạn lên men được đem đi chưng cất. Quá trình chưng cất diễn ra theo cơ chế bay hơi – ngưng tụ dựa trên nhiệt độ sôi của nước và rượu. Rượu Whisky có thể được chưng cất bằng nồi truyền thống hoặc hệ thống chưng cất liên tục làm bằng thép không gỉ khoảng 2 – 3 lần. Rượu thu được sau khi kết thúc quá trình chưng cất thường có nồng độ rất cao (65 – 85%).

Với nồng độ kể trên, rượu Whisky được xếp vào nhóm rượu mạnh. Để hiểu rõ về cách phân nhóm rượu mạnh – nhẹ, bạn có thể đọc thêm bài viết rượu 50 độ là rượu nặng hay nhẹ để biết thông tin chi tiết.

Bước 4 – Ủ rượu

Rượu thu được sau quá trình chưng cất sẽ trải qua quá trình ủ trưởng thành trong các thùng gỗ sồi. Thời gian ủ rượu Whisky kéo dài tối thiểu 3 năm. Rượu được ủ càng lâu hương vị càng cân bằng và đa dạng. Tuỳ từng loại rượu Whisky mà loại thùng ủ và thời gian ủ cũng sẽ khác nhau.

Bước 5 – Phối trộn và đóng chai

Rượu Whisky sau khi kết thúc quá trình ủ có thể được đóng chai luôn hoặc pha trộn với những loại Whisky khác để tạo ra thành phẩm có hương vị độc đáo hơn. Hỗn hợp rượu sau khi pha sẽ được ủ thêm 8 tháng – 1 năm mới đem đi đóng chai để hương vị của các rượu thành phần hòa hợp với nhau.

Điểm khác biệt trong quy trình sản xuất rượu Whisky:

  • Cần phải xử lý mạch nha tạo lúa mạch để chuẩn bị cho công đoạn đường hoá ngũ cốc.
  • Rượu Whisky đơn cất sau khi phối trộn với nhau cần được ủ thêm một thời gian.

Trong số các thương hiệu hàng đầu về Whisky hiện nay, Chivas Regal được coi là biểu tượng cho rượu Scotch Whisky hiện đại. Chivas Regal kết hợp phong cách pha trộn độc đáo, hiện đại trên nền tảng quy trình sản xuất được đúc kết lâu đời tại nhà máy rượu Strathisla, Scotland. Bởi vậy, từng giọt rượu Chivas mang đậm hương vị rượu Scotch Whisky truyền thống nhưng vẫn tinh tế, ấn tượng, khiến nhiều tín đồ rượu say mê.

Bạn có thể trải nghiệm các sản phẩm của Chivas Regal tại Gian hàng phân phối chính thức của Pernod Ricard.

Rượu Whisky đơn cất sau khi phối trộn với nhau cần được ủ thêm một thời gian.

Rượu Whisky đơn cất sau khi phối trộn với nhau cần được ủ thêm một thời gian.

2.  Quy trình sản xuất rượu Rum

 

Rum là loại rượu trứ danh đến từ các quốc gia nhiệt đới vùng Caribbean. Nhờ có thành phần chính là nước mía hoặc đường mía, rượu Rum có hương vị rất ngọt ngào, thơm mùi mật ong, caramel và hương gỗ.

Rượu Rum được phân loại chủ yếu thành 3 loại chính: Rum Trắng, Rum Vàng và Rum Đen theo màu sắc và quy trình ủ rượu. Ngoài ra, loại rượu này còn được chia thành Rum nguyên bản và Rum Mùi theo nguyên liệu sử dụng.

Nguyên liệu chính trong sản xuất rượu Rum: Mía đường thuộc họ Saccharum Officinarum.

Quy trình sản xuất rượu Rum cơ bản:

Bước 1 – Xử lý nguyên liệu.

Mía được đem đi ép lấy nước. Nước mía có thể được đem đi lên men trực tiếp hoặc được đun sôi để tạo thành mật mía rồi mới được lên men.

Ngoài ra, mật đường – sản phẩm cuối của quá trình sản xuất và tinh chế đường từ mía cũng có thể được dùng làm rượu Rum.

Bước 2 – Lên men

Nước mía/mật mía/mật đường có thể được để lên men tự nhiên hoặc sử dụng nấm men để kích thích quá trình lên men. Quá trình lên men trong sản xuất rượu Rum có thể kéo dài từ 1 – 14 ngày. Sản phẩm thu được từ quá trình lên men là rượu lỏng có nồng độ thấp;

Bước 3 – Chưng cất rượu

Rượu lỏng có nồng độ thấp thu được từ công đoạn lên men được đem đi chưng cất thành rượu có độ cồn đạt yêu cầu . Quá trình chưng cất rượu Rum diễn ra với cơ chế tương tự như rượu Whisky – cơ chế bay hơi – ngưng tụ dựa trên nhiệt độ sôi của nước và rượu.

Về thiết bị sử dụng trong chưng cất:

  • Rượu Rum Trắng thường được tạo ra thông qua việc chưng cất bằng hệ thống cột chưng cất liên tục để có nồng độ rượu vừa phải và hương vị nhẹ hơn.
  • Rượu Rum Vàng và Rum Đen được chưng cất chủ yếu bằng nồi Alembic truyền thống để hương vị rượu đậm đà và độ cồn cao hơn.

Bước 4 – Ủ rượu

Rượu Rum thu được từ quá trình chưng cất có thể được ủ hoặc không tùy thuộc vào dòng sản phẩm được sản xuất.

  • Bước ủ rượu không áp dụng với rượu Rum trắng để giữ lại hương vị nhẹ nhàng, tinh tế của đường mía lên men.
  • Ngược lại, các loại Rum Vàng hay Rum Đen sẽ được ủ trong các thùng gỗ sồi Bourbon của Mỹ.

Thời gian ủ rượu Rum thường ngắn hơn so với các loại rượu mạnh khác do khí hậu nhiệt đới của vùng sản xuất khiến quá trình lão hóa rượu diễn ra nhanh hơn.

Bước 5 – Phối trộn và đóng chai

Sau khi kết thúc quá trình ủ, rượu thường được pha trộn rồi mới đóng chai để tăng thêm đặc tính và hương vị. Các nhà sản xuất có xu hướng pha trộn Rum Trắng với các loại Rum khác. Ngoài ra, các chất phụ gia tạo hương vị như nước trái cây, rượu mận hay gia vị sẽ được bổ sung trong giai đoạn này.

Điểm khác biệt trong quy trình sản xuất rượu Rum:

  • Quá trình lên men đường mía để tạo rượu có thể diễn ra một cách tự nhiên không cần mà không cần bổ sung nấm men.
  • Rượu Rum có thể được ủ hoặc không. Rượu Rum Trắng không trải qua quá trình ủ rượu thường sẽ được lọc bằng than làm từ gỗ nhiệt đới và vỏ dừa để loại bỏ các tạp chất và làm mịn kết cấu rượu.
  • Các thành phần tạo hương vị được thêm trong giai đoạn phối trộn.
Rượu Rum có thể trải qua bước ủ hoặc không.

Rượu Rum có thể trải qua bước ủ hoặc không.

3. Quy trình sản xuất rượu Vodka

 

Rượu Vodka là một phần quan trọng của nền văn hóa ẩm thực của các nước khu vực Đông Âu, đặc biệt là nước Nga. Tính chất tinh khiết và ít hương vị của rượu Vodka nguyên bản khiến loại rượu này rất được ưa chuộng trong pha chế đồ uống và nấu ăn. Các loại Vodka thương mại dùng để uống trực tiếp thường sẽ được thêm thành phần tạo hương vị như trái cây hay thảo mộc.

Nguyên liệu chính trong sản xuất rượu Vodka: Các loại ngũ cốc hoặc rau củ chứa nhiều đường và tinh bột như khoai tây, lúa mạch đen, lúa mì, ngô và củ cải đường.

Quy trình sản xuất rượu Vodka cơ bản:

Bước 1 – Xử lý nguyên liệu.

Công đoạn xử lý này tùy thuộc vào từng loại nguyên liệu sử dụng.

  • Các loại lúa mạch, ngô hay lúa mì sẽ được xay nhỏ, sấy nghiền và đường hóa ở nhiệt độ ấm tương tự như Whisky. Hỗn hợp ngũ cốc đường hóa sau đó được lọc bỏ bã để thu về dịch đường hóa (chứa đường và nước).
  • Khoai tây và củ cải đường được xay nhuyễn, nấu chín, sau đó để nguội rồi mới thêm enzym xúc tác để đường hóa tinh bột. Hỗn hợp đã hoàn thành đường hóa sẽ được mang đi lên men trực tiếp.

Bước 2 – Lên men

Dịch đường hóa/hỗn hợp khoai và củ cải đường hóa thu được sẽ được đem đi lên men. Công đoạn này trong sản xuất rượu Vodka sử dụng nấm men để kích thích quá trình lên men tạo rượu (Ethanol). Sản phẩm của công đoạn lên men là rượu đầu có nồng độ khoảng 16%.

Bước 3 – Chưng cất rượu

Rượu đầu thu được sau khi lên men sẽ trải qua công đoạn chưng cất để thu được thành phẩm có độ cồn như mong muốn (40 – 96%).

Rượu Vodka nguyên bản có độ tinh khiết cao. Bởi vậy, bước chưng cất thường được lặp lại nhiều lần để rượu thu được có độ tinh khiết đạt yêu cầu. Tuy nhiên, để tạo ra Vodka có hương vị, một số nhà sản xuất có thể chỉ chưng cất 1 lần hoặc thêm các thành phần tạo hương vị khác trong quá trình chưng cất.

Bước 4 – Pha loãng

Sau khi chưng cất, rượu Vodka có nồng độ rất cao nên cần được pha loãng để có thể uống được. Các nhà sản xuất thường sử dụng nước trong pha loãng rượu Vodka để tránh gây biến đổi hương vị.

Bước 5 – Lọc và đóng chai

Sau khi pha loãng, Vodka sẽ được lọc qua than hoạt tính, than củi hoặc thạch anh để đảm bảo rượu trong và không bị đục theo thời gian. Sau đó rượu Vodka mới được đóng chai thành phẩm.

Điểm khác biệt trong quy trình sản xuất rượu Vodka:

  • Rượu Vodka có thể làm từ bất kỳ nguyên liệu nào chứa nhiều đường/tinh bột. Bởi vậy quy trình sản xuất ban đầu phụ thuộc chủ yếu vào loại nguyên liệu được sử dụng.
  • Hỗn hợp nguyên liệu từ khoai tây và củ cải đường (bao gồm phần nước và phần bã) sau khi đường hóa được đem đi lên men toàn bộ, sau đó mới lọc bỏ bã để thu được rượu.
  • Các thành phần tạo hương vị được thêm trong quá trình chưng cất.
  • Quy trình sản xuất rượu Vodka không có các giai đoạn ủ rượu và phối trộn.
Rượu Vodka không cần ủ rượu và phối trộn.

Rượu Vodka không cần ủ rượu và phối trộn.

4. Quy trình sản xuất rượu Brandy

 

Rượu Brandy là loại rượu mạnh làm từ trái cây được ưa chuộng nhiều tại các nước châu Âu. Brandy có quy trình sản xuất tương tự rượu vang chát. Bởi vậy loại rượu này mang một số nét tương đồng với rượu vang – hương vị trái cây thấm đượm và tinh tế. Rượu Brandy được phân loại theo vùng sản xuất như Cognac, Armagnac, American Brandy,… Trong đó rượu Cognac là loại Brandy nổi tiếng nhất.

Nguyên liệu chính trong sản xuất rượu Brandy: Chủ yếu là nho, ngoài ra có thể sử dụng táo, lựu, dâu và quả mọng như mâm xôi, việt quất,…

Quy trình sản xuất rượu Brandy cơ bản:

Bước 1 – Xử lý nguyên liệu.

Các loại trái cây được rửa sạch, loại bỏ hạt – cuống, mang nghiền ép và có thành phẩm là dịch trái cây.

Bước 2 – Lên men

Trong bể lên men, dịch trái cây nghiền được thêm một lượng tanin tinh khiết và men giống để thúc đẩy quá trình lên men tạo rượu. Riêng với quy trình sản xuất rượu Cognac, dịch nho được để lên men tự nhiên và không được thêm bất kỳ chất nào khác.

Bước 3 – Chưng cất rượu

Dịch trái cây đã lên men chứa rượu, nước và các sản phẩm phụ sẽ phải trải qua quá trình chưng cất để tăng độ rượu và điều chỉnh hương vị. Rượu Brandy được chưng cất 2 lần với quy trình tương tự như rượu Whisky. Với một số loại Brandy đặc trưng như Cognac, quy trình chưng cất phải sử dụng nồi chưng cất Alembic truyền thống.

Rượu thu được sau khi chưng cất có nồng độ khá cao khoảng 35 – 60%.

Bước 4 – Ủ rượu

Sau bước chưng cất, rượu nồng độ cao được đem đi ủ rượu tối thiểu 2 năm. Có nhiều loại thùng ủ rượu Brandy như thùng gỗ (sồi, keo, hạt dẻ), thùng thủy tinh và thùng thép không gỉ. Mỗi loại thùng ủ sẽ cho ra hương vị rượu Brandy khác nhau.

Bước 5 – Phối trộn và đóng chai

Các mẻ rượu Brandy kết thúc quá trình ủ thường được pha trộn với nhau để tạo ra hương vị đặc trưng của nhà sản xuất. Sau khi phối trộn, rượu Brandy được đóng chai bằng nút bần.

Hương vị đặc trưng trên của rượu vẫn có thể thay đổi, trở nên đậm đà hơn ngay cả sau khi đóng chai. Để hiểu thêm về điều này, bạn có thể đọc thêm bài viết vì sao rượu để càng lâu càng ngon

Điểm khác biệt trong quy trình sản xuất rượu Brandy:

  • Công đoạn lên men rượu Brandy có thể có hoặc không bổ sung nấm men.
  • Rượu Brandy chỉ được chưng cất 2 lần.
Rượu Brandy chỉ được chưng cất 2 lần.

Rượu Brandy chỉ được chưng cất 2 lần.

5. Quy trình sản xuất rượu Gin

 

Gin là loại rượu có nguồn gốc từ Hà Lan, được sử dụng rất nhiều trong pha chế nhờ hương vị quả bách xù và thảo mộc cực kỳ đặc trưng. Rượu Gin được phân loại dựa trên nơi sản xuất và quy trình ủ thành các loại rượu như Gin Hà Lan, London Dry Gin, Old Tom Gin (Anh), American Dry Gin, Japanese Gin,…

Nguyên liệu chính trong sản xuất rượu Gin: Ngũ cốc, khoai tây, mía và quả bách xù cùng các loại thảo mộc (quế, mùi, vỏ cam, hồi,…).

Rượu Gin có 3 quy trình sản xuất phổ biến. Cụ thể:

Quy trình sản xuất rượu Gin dùng nồi chưng cất (rượu Gin Hà Lan):

  • Bước 1 – Xử lý ngũ cốc, đường hóa (tương tự Whisky).
  • Bước 2 – Lên men dịch ngũ cốc đường hóa (tương tự Whisky).
  • Bước 3 – Chưng cất: Chưng cất lần 1 dịch lên men, sau đó ngâm rượu thu được với thảo mộc rồi đem đi chưng cất lần 2 để ly trích các hương liệu có từ thảo mộc.
  • Bước 4: Rượu sau chưng cất được ủ trong thùng gỗ sồi.
  • Bước 5: Đóng chai.

Quy trình sản xuất rượu Gin dùng tháp chưng cất (rượu Gin Anh):

  • Bước 1 – Xử lý nguyên liệu và đường hóa (Tương tự Whisky với nguyên liệu là ngũ cốc hoặc tương tự Vodka với nguyên liệu là khoai tây và củ cải đường).
  • Bước 2 – Lên men dịch nguyên liệu đã đường hóa.
  • Bước 3 – Chưng cất: Đưa dịch lên men vào trong tháp chưng cất, giỏ chứa thảo mộc được treo trên nóc. Rượu bay hơi lên sẽ kéo theo tinh dầu và hương liệu trong thảo mộc.
  • Bước 4: Rượu sau chưng cất được ủ trong thùng gỗ sồi.
  • Bước 5: Đóng chai.

Quy trình sản xuất rượu Gin phối chế: Dùng một loại rượu mạnh không mùi, không vị (ví dụ: Vodka nguyên bản) đem đi ướp với tinh dầu thảo mộc hoặc các hương liệu tự nhiên khác.

Điểm khác biệt trong quy trình sản xuất rượu Gin:

  • Các phương pháp sản xuất đa dạng.
  • Hương liệu thảo mộc chủ yếu được thêm vào trong công đoạn chưng cất hoặc ngâm ủ với rượu.
Rượu Gin có phương pháp sản xuất đa dạng.

Rượu Gin có phương pháp sản xuất đa dạng.

6. Quy trình sản xuất rượu Tequila

 

Tequila gây ấn tượng mạnh với bất kỳ tín đồ rượu nào bởi hương vị cay nồng lôi cuốn xen lẫn hương thùa xanh đặc trưng. Loại rượu có nguồn gốc Mexico này có thể được phân loại theo nguyên liệu, màu sắc hoặc thời gian ủ rượu thành nhiều dòng khác nhau.

Nguyên liệu chính trong sản xuất rượu Tequila: lõi cây thùa xanh Blue Weber.

Quy trình sản xuất rượu Tequila cơ bản:

Bước 1: Xử lý nguyên liệu.

Lõi cây thùa xanh (piña) được đem đi nướng chậm trong 1 – 2 ngày để kích thích chuyển hóa đường. Công đoạn này thường được thực hiện trong Hornos, một loại lò làm bằng gạch hoặc đất sét. Sau đó, Piña được cắt nhỏ và đem đi ép nước, thu được dung dịch nước đường.

Bước 2: Lên men

Nước đường từ lõi cây thùa xanh và men được thêm vào bể chứa trong 3 – 12 ngày. Sản phẩm của quá trình lên men được gọi là Mosto, có độ cồn 3,8 – 6%.

Bước 3: Chưng cất rượu

Mosto được đem đi chưng cất 2 lần với quy trình tương tự như Whisky. Quá trình chưng cất trong sản xuất rượu Tequila yêu cầu nồi hoặc hệ thống chưng cất phải làm toàn bộ/một phần từ kim loại đồng.

Không có quy định về nồng độ Tequila thu được sau khi chưng cất. Tuy nhiên, các nhà sản xuất thường giới hạn nồng độ rượu thu về trên 55% để giữ nguyên hương vị cây thùa xanh.

Bước 4: Ủ rượu

Rượu Tequila thu được sau khi chưng cất có thể đem đi đóng chai ngay hoặc trải qua giai đoạn ủ trưởng thành. Tùy thuộc vào loại Tequila mà thời gian ủ rượu sẽ khác nhau, tối thiểu là 2 – 3 tuần và có thể kéo dài lên tới vài chục năm.

Bước 5: Đóng chai

Điểm khác biệt trong quy trình sản xuất rượu Rum:

  • Công đoạn xử lý nguyên liệu phức tạp.
  • Rượu Tequila thường chỉ được chưng cất 2 lần.
  • Rượu Tequila có thể được ủ trưởng thành hoặc không. Thời gian ủ rượu Tequila ngắn hơn so với các loại rượu mạnh khác, tối thiểu 2 – 3 tuần.
  • Rượu Tequila ít khi được pha trộn để tạo rượu thành phẩm.
Công đoạn xử lý nguyên liệu trong sản xuất rượu Tequila phức tạp.

Công đoạn xử lý nguyên liệu trong sản xuất rượu Tequila phức tạp.

Mỗi loại rượu đều có những đặc điểm riêng biệt trong quá trình sản xuất, từ quá trình lên men đến chưng cất và ủ rượu. Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất rượu mạnh và có thêm những trải nghiệm đáng nhớ trong hành trình khám phá nghệ thuật làm rượu của thế giới.

Và, khi sử dụng rượu, đặc biệt là các dòng rượu mạnh, bạn cần hiểu rõ rượu có phải là cồn không cũng như nồng độ cồn của từng loại rượu. Điều này giúp bạn chọn lựa loại rượu phù hợp và sử dụng theo đúng pháp luật.

Thưởng thức có trách nhiệm. Không chia sẻ nội dung này cho người dưới 18 tuổi.

You must be over 21 to enter this website.

PLEASE TELL US YOUR AGE

Please enter a valid {fields}

You are too young to enter

Remember me

Don't tick this box if your computer can be accessed by people under legal drinking age