Quy trình sản xuất rượu Whisky – 6 bước cơ bản tạo nên loại rượu kinh điển
Whisky là một trong những loại rượu mạnh được sản xuất từ ngũ cốc phổ biến nhất trên thế giới. Mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ có bí quyết làm rượu và hương vị Whisky mang đậm dấu ấn văn hóa, truyền thống của nơi đó. Tuy nhiên, quy trình sản xuất rượu Whisky về cơ bản vẫn bao gồm các công đoạn tương tự nhau. Tìm hiểu ngay các bước làm nên loại rượu Whisky kinh điển trong bài viết sau đây!
1. Nguyên liệu sản xuất rượu Whisky
Rượu Whisky được tạo ra từ 3 loại nguyên liệu cơ bản là ngũ cốc, nước và men rượu. Những nguyên liệu tuy đơn giản nhưng đã tạo nên hàng trăm loại rượu Whisky có hương vị đa dạng, phong phú, đem đến những trải nghiệm ấn tượng cho người thưởng thức. Cụ thể về các nguyên liệu sản xuất rượu Whisky gồm có:
Ngũ cốc
Rượu Whisky có thể được làm từ nhiều loại ngũ cốc khác nhau như lúa mạch, ngô, lúa mạch đen hay lúa mì. Trong đó, lúa mạch là loại ngũ cốc được sử dụng phổ biến nhất.
Ngũ cốc là nền tảng hương vị của rượu Whisky, tạo nên đặc trưng cho mỗi loại rượu Whisky được sản xuất. Ngoài ra, mạch nha làm từ lúa mạch còn được sử dụng trong hầu hết các quy trình sản xuất Whisky để kích hoạt đường hóa, chuẩn bị cho quá trình lên men các loại ngũ cốc.
Men rượu
Trong sản xuất rượu Whisky, men rượu chưng cất từ nấm men Saccharomyces Cerevisiae được sử dụng phổ biến. Vai trò chính của men rượu là tạo rượu từ ngũ cốc đã được đường hóa trong giai đoạn lên men.
Giai đoạn lên men này không chỉ tạo ra rượu mà còn tạo ra nhiều sản phẩm phụ có mùi thơm như Ester. Do đó, men rượu có ảnh hưởng tới cả sản lượng rượu thành phẩm và hương vị của rượu.
Nước
Quy trình sản xuất rượu Whisky cần một lượng nước lớn. Nước là nguyên liệu chính của rượu Whisky, vì vậy độ tinh khiết và thành phần khoáng chất của nước cũng có ảnh hưởng đến mùi vị của rượu.
Bên cạnh đó, nước còn được sử dụng để sơ chế ngũ cốc và làm lạnh cho quá trình chưng cất. Bởi vậy, các nhà máy sản xuất rượu hay được đặt gần nguồn nước sử dụng để dễ vận chuyển và đảm bảo nguồn nước liên tục.
2. Quy trình cơ bản sản xuất rượu Whisky
Mỗi vùng miền đều có bí quyết sản xuất riêng nhưng quy trình sản xuất rượu Whisky cơ bản đều bao gồm 6 bước tiêu chuẩn sau đây:
2.1. Bước 1: Xử lý lúa mạch
Một phần lúa mạch sau khi được thu hoạch cần phải trải qua bước xử lý mạch nha. Bước này có vai trò kích hoạt enzym chuyển đổi tinh bột thành đường để chuẩn bị cho công đoạn lên men tạo rượu. Lúa mạch có hàm lượng enzym cao hơn các loại ngũ cốc khác nên được coi là lựa chọn tốt nhất cho quá trình mạch nha hóa.
Quy trình xử lý lúa mạch: Sau khi thu hoạch, các hạt lúa mạch được ngâm trong nước lạnh khoảng 2 ngày để nảy mầm tự nhiên trong điều kiện được cung cấp oxy. Sau đó, lúa mạch sẽ được ủ trong khoảng 5 ngày tiếp theo để cấu trúc của tinh bột bị phá bỏ hoàn toàn và rễ con có thể mọc ra. Mạch nha thu được sẽ được đem đi sấy để dừng quá trình nảy mầm và hạn chế chuyển hóa gây mất đường.
2.2. Bước 2: Sấy nghiền ngũ cốc và đường hóa
Các loại ngũ cốc sau khi được thu hoạch sẽ được đem đi sấy nghiền để chiết xuất đường. Công đoạn sấy loại bỏ nước trong ngũ cốc nhằm mục đích bảo quản và tránh tình trạng lên men tự nhiên của hạt. Bên cạnh đó, công đoạn nghiền có vai trò làm tăng bề mặt tiếp xúc của ngũ cốc, giúp chúng giải phóng tinh bột tốt hơn để đường hóa. Quy trình cụ thể của công đoạn như sau:
Sấy ngũ cốc
Ngũ cốc và mạch nha được đem đi sấy khô bằng khí nóng hoặc bằng phương pháp hun than. Thông thường, quá trình sấy kéo dài khoảng 36 tiếng với nhiệt độ sấy 75 – 80oC để đảm bảo độ ẩm trong ngũ cốc ở mức tối ưu. Ngũ cốc thu được thường có độ ẩm khoảng 4%.
Nghiền ngũ cốc và đường hóa
Ngũ cốc sau khi sấy được đem đi nghiền tách vỏ, sau đó nghiền thành bột với kích thước hạt mịn phù hợp. Bột ngũ cốc sau khi được nghiền mịn được trộn với nước nóng và tiếp tục nghiền. Hỗn hợp này sẽ được đun nóng để đường hóa trong nhiều giai đoạn với nhiệt độ tăng dần. Mỗi loại ngũ cốc sẽ có nhiệt độ đun khác nhau:
- Mạch nha: Nhiệt độ trong giai đoạn đầu thường thấp (khoảng 65oC) để enzym không bị phân hủy, sau đó tăng dần để cải thiện hiệu quả chiết xuất đường.
- Các loại ngũ cốc khác: Ngũ cốc sẽ được nấu chín trước để hóa tinh bột ở nhiệt độ tiêu chuẩn (ngô: ≥ 100oC, lúa mạch đen: 78oC, lúa mạch và lúa mì: 65oC). Sau quá trình hóa tinh bột này, mạch nha sẽ được cho vào nồi đường hóa để kích thích phân giải tinh bột thành đường.
Sau công đoạn này, chất lỏng thu được chứa đường và nước, được gọi là “bia chưa lên men”. Chất lỏng này sẽ được chuyển đến bể lên men để tiến hành công đoạn tiếp theo.
2.3. Bước 3: Lên men rượu
Bước lên men có vai trò chuyển hóa tất cả các loại đường trong hỗn hợp thu được trước đó thành rượu. Tùy thuộc vào thời gian lên men và chủng nấm men được sử dụng, rượu thu được cũng sẽ được phát triển hương vị đa dạng hơn.
Quy trình lên men rượu: Dung dịch nước đường được làm lạnh ở nhiệt độ khoảng 16 – 18oC. Sau đó, men sẽ được bổ sung vào bể chứa nước đường. Quá trình lên men có thể kéo dài 2 – 4 ngày. Sau thời gian này sẽ thu được dung dịch rượu có nồng độ cồn thấp, khoảng 7 – 10%.
2.4. Bước 4: Chưng cất rượu
Công đoạn chưng cất rượu có vai trò làm tăng nồng độ rượu và loại bỏ những sản phẩm phụ không tốt của quá trình lên men (Aldehyd, Ceton,…) và định hình hương vị ban đầu cho rượu Whisky. Các nhà sản xuất có thể sử dụng nồi chưng cất bằng đồng hoặc hệ thống chưng cất liên tục làm bằng thép không gỉ.
Mỗi hệ thống chưng cất này sẽ cho ra thành phẩm rượu khác nhau. Khi chưng cất bằng nồi truyền thống, rượu sẽ cần chưng cất nhiều lần để cho ra thành phẩm có độ cồn phù hợp. Tuy nhiên, thành phẩm thu được sẽ có hương vị đậm đà. Ngược lại, hệ thống chưng cất liên tục cho sản lượng rượu lớn hơn nhưng hương vị sẽ ít đậm đà hơn so với nồi truyền thống.
Quy trình chưng cất rượu bằng nồi truyền thống: Trong nồi chưng cất, dung dịch sau lên men được đun ở mức nhiệt độ sôi của rượu (khoảng 78oC). Hơi rượu bốc lên đi qua hệ thống làm lạnh để ngưng tụ lại ở bình chứa. Rượu trong bình chứa lúc này (khoảng 22 – 25%) sẽ được đem đi đun sôi và ngưng tụ những lần tiếp theo cho đến khi thu được rượu có nồng độ đạt yêu cầu (65 – 85%).
2.5. Bước 5: Ủ rượu trưởng thành
Khi kết thúc giai đoạn chưng cất, rượu đã được định hình hương vị ban đầu. Tuy nhiên, rượu vẫn cần được ủ trưởng thành để điều chỉnh các đặc tính cay nồng và xây dựng những tầng hương vị phức tạp hơn.
Quá trình ủ rượu Whisky sẽ được tiến hành trong các thùng gỗ sồi. Gỗ sồi là loại gỗ lý tưởng cho việc sản xuất Whisky bởi đặc tính dẻo dai, tạo thùng chắc chắn nhưng vẫn có độ xốp phù hợp để trao đổi oxy cho quá trình trưởng thành của rượu. Các loại gỗ sồi được sử dụng phổ biến để làm thùng ủ bao gồm sồi Châu Âu, sồi Mỹ và sồi Mizunara của Nhật Bản. Ngoài ra, một số dòng rượu Whisky cũng được ủ trong thùng của các loại rượu khác như Sherry, Tequila,…
Thời gian ủ rượu Whisky thường kéo dài ít nhất 3 năm trở lên. Rượu được ủ càng lâu càng bị ảnh hưởng bởi tính chất của thùng ủ và cho ra kết cấu hương vị mới. Tùy thuộc vào yêu cầu của rượu thành phẩm mà thời gian ủ rượu cũng sẽ được các nhà sản xuất điều chỉnh sao cho phù hợp.
Cũng nhờ việc được ủ trong thùng gỗ sồi nên rượu whisky mang hương vị độc đáo mà tinh tế. Nhưng khi đã được cho ra khỏi thùng, trở thành thành phẩm cuối cùng, rượu whisky có thể bị ảnh hưởng rất lớn bởi nhiệt độ, ánh sáng và không khí. bảo quản rượu whisky đúng cách lúc này giúp ngăn ngừa những yếu tố này làm thay đổi hương vị và chất lượng của rượu.
2.6. Bước 6: Phối trộn rượu và đóng chai
Rượu Whisky đơn cất khi kết thúc quá trình trưởng thành sẽ được đem đi đóng chai ngay. Ngược lại, các loại Blended Whisky phải trải qua quá trình pha trộn thích hợp rồi mới được đóng chai.
Quy trình phối trộn rượu: Các loại rượu Whisky đơn cất được lựa chọn sẽ được bơm vào thùng ủ mới theo tỷ lệ đã được định sẵn. Hỗn hợp rượu này được ủ tiếp trong vòng 8 tháng – 1 năm để hương vị của các rượu thành phần hòa hợp với nhau.
Dù là dòng đơn cất hay pha trộn, trước khi đóng chai, rượu Whisky có thể được lọc lại bằng nhiều phương pháp khác nhau để đảm bảo rượu không bị đục khi làm lạnh.
Cách làm rượu Whisky theo quy trình chung nói trên, các nhà sản xuất hầu như đều có sự điều chỉnh thích hợp để tạo ra những chai rượu thơm ngon khác biệt nhằm để lại dấu ấn trên thị trường cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, chính điều này lại tạo nên tính đa dạng cho nghệ thuật làm rượu và giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn tốt hơn.
Chivas Regal là một trong những điểm dừng chân tuyệt vời cho những người yêu thưởng thức sự hoàn hảo từ rượu Whisky. Hương vị độc đáo và ấn tượng của những chai rượu Chivas Regal được tạo nên từ quy trình sản xuất kết hợp tinh tế các yếu tố truyền thống với những ý tưởng hiện đại.
Rượu Chivas Regal được sản xuất tại nhà máy Strathisla vùng Speyside – xứ sở của rượu Scotch Whisky. Nhờ quy trình lên men và chưng cất truyền thống tại đây, những giọt rượu Chivas luôn đậm đà và mang đặc trưng hương vị của rượu Whisky Speyside. Bên cạnh đó, sự pha trộn tài tình của những bậc thầy pha chế hàng đầu thế giới cũng giúp rượu Chivas mang đến cho người thưởng thức những trải nghiệm vị giác ấn tượng hơn.
Bạn có thể tìm mua các sản phẩm của Chivas Regal tại Gian hàng phân phối chính thức của Pernod Ricard.
Từ nguyên liệu đến công đoạn ủ, mỗi bước của quy trình sản xuất rượu Whisky đều là một hành trình nghệ thuật, nơi tinh hoa truyền thống, tay nghề và sự đam mê hòa quyện. Hy vọng thông qua bài viết này, bạn sẽ hiểu rõ hơn rượu Whisky được làm như thế nào và có những trải nghiệm rượu sâu sắc hơn với loại rượu Whisky kinh điển này.
Thưởng thức có trách nhiệm. Không chia sẻ nội dung này cho người dưới 18 tuổi.